Blog

Kiến trúc sư Phan Đình Kha chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp

Trở thành kiến trúc sư là khát vọng của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Bởi có thể xem đây là một công việc sáng tạo nhất trong các công việc sáng tạo. Tuy nhiên, để các bạn có một cái nhìn toàn diện về lĩnh vực này trước khi quyết định bước chân vào khoa kiến trúc. Việt Architect Group đã mời ThS.Kts. Phan Đình Kha tham gia một buổi phỏng vấn ngắn với mục đích chia sẻ những trải nghiệm của chính bản thân anh.

Mời các bạn theo dõi nội dung bài phỏng vấn bên dưới, hy vọng qua những chia sẽ của Kts.Kha các bạn có thể có câu trả lời cho chính mình.

Nội dung bài phỏng vấn

Xin chào ThS.KTS.Phan Đình Kha, rất cảm ơn anh đã dành thời gian để tham gia buổi trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm hôm nay.

1. Thưa anh, cơ duyên nào đã đưa anh đến với ngành kiến trúc? Theo anh, để đạt được thành công trên lĩnh vực này là dễ hay khó?

Chắc là định mệnh! Mình đã bắt đầu nghĩ về việc sẽ trở thành một kiến trúc sư từ năm cấp 2. Mình nhớ khi viết lưu bút chia tay hồi lớp 9, còn nhắc lại với các bạn như thế. Nhưng lạ là, không biết từ đâu lại gieo vào đầu mình suy nghĩ như vậy. Hồi đó trong vùng cũng không có kiến trúc sư nào, mà cũng chẳng thấy hoạt động nào liên quan đến lĩnh vực này. Chỉ biết kiến trúc sư làm thiết kế công trình, vẽ giỏi chứ cụ thể là làm gì thì đến khi ra trường mới biết (cười).

Theo anh, để đạt được thành công trên lĩnh vực này là dễ hay khó?

2. Anh nghĩ thế nào nếu có người bảo rằng anh đạt được thành công như hôm nay một phần là nhờ tài năng, phần còn lại là điều kiện khách quan thuận lợi (sự nâng đỡ của thầy cô, hỗ trợ từ gia đình, …)

Thành công thì chưa là gì, nên chưa dám nói. Nhưng để làm được với nghề kiến trúc cần nhận ra rằng con người luôn tiềm ẩn một khả năng sáng tạo vô hạn, khả năng đó cần con tim và khối óc khai mở mới tuôn trào được. Con đường sáng tạo là không có đường cùng, may mắn là thế nên mình làm nghề không thấy chán. Thấy vui!

Tất nhiên, ta của hôm nay là kết quả của một cơ duyên. Đó là điều kiện khách quan, mình gặp được những người giỏi; không chỉ trong ngành kiến trúc mà các ngành liên quan khác. Mình được đi nhiều, đọc nhiều; được thấy, được nghe những điều mới, hay và có giá trị; mỗi lẫn như thế mình như được trút bớt một lớp vỏ u mê, mà mình thì nhiều lớp lắm! (lại cười)

Thứ hai là năng lực của bản thân, mà cái chính là năng lực tư tưởng. Nó được tích lũy trong quá trình sống, học tập, làm việc. Mình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, mong muốn tạo ra giá trị cho xã hội nên mình luôn chú ý học hỏi và nghiên cứu về những thứ đó. Sản phẩm mình tạo ra nó cũng phản ánh những gì mình suy ngẫm. Những thứ này rất tiêu tốn thời gian nên kiến trúc sư muốn giỏi thì điều cần nhất chính là thời gian.

Mình nghĩ người kiến trúc sư cũng như gừng càng già lại càng cay! Càng làm nhiều, thì càng sáng tạo và càng tạo nên nhiều điều giá trị cho cuộc sống.

3. Với tư cách là một thành viên trong dự án sân bay Liên Khương, anh có cảm tưởng thế nào khi đạt được giải thưởng? 

Khi đó thì vui và cũng tự hào lắm. Nhưng mình quên rồi. Những thứ đó nên quên đi để tiến về phía trước, làm cái mới, làm cái khác.

4. Anh có từng nghĩ đến việc sẽ thực hiện một dự án cá nhân với quy mô tương tự?

Có chứ! Mục tiêu nữa là khác.

5. Ý tưởng thành lập công ty Zena được anh lên kế hoạch trong thời gian bao lâu trước khi thực hiện? Trong quá trình thực hiện có những thuận lợi và khó khăn gì?

Việc thành lập công ty thì không phải ý mình, mà do khách hàng ép, phải có pháp nhân mới được làm. Thuận lợi là 3 đứa em ruột mình là kỹ sư xây dựng, anh em kỹ thuật khác lại nhiều nên đơn giản. Bản chất là xử lý được vấn đề từ ý tưởng cho đến thi công, anh không thấy gì khó. Khó là làm sao người có nhu cầu biết đến mình, rồi làm sao họ tin mình từ lúc đầu mà giao công việc cho mình.

Lúc đầu thì ít việc, ít nhân viên. Giờ thì nhiều việc hơn và anh em cũng đông hơn, chuyên môn hóa cao hơn và quy trình làm việc rõ ràng, tốt hơn. Mình nghĩ đó là quy luật phát triển chung rồi.

Công ty Z.E.N.A luôn mong muốn đóng góp được thật nhiều công trình có giá trị, đẹp mãi với thời gian và cũng góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị. Quan trọng hơn là luôn suy nghĩ làm sao để làm được và làm tốt hơn nữa.

6. Hiện tại, anh có hài lòng với những điều đã đạt được? 

Vẫn vui sống thôi, chứ về nghề vẫn còn ấp ủ nhiều hoài bão lắm. Mình vẫn chưa đạt được cảm giác gọi là “cực đã” giống như vào mùa đông mà đi ăn kem vậy. Có bạn nào thử chưa nhỉ? (cười). 

Trong tương lai, anh có dự định phát triển Zena trở thành một công ty về kiến trúc với quy mô tầm cỡ quốc tế?

Có đấy! Cứ làm chứ không nói trước được tương lai.

7. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm cá nhân, anh muốn nhắn nhủ điều gì với những bạn KTS trẻ?

Ai cũng mong mình quay lại được thời trẻ, cái chính là do khi già mới nhận ra mình có nhiều sai lầm! Vậy Kts trẻ thì làm sao bớt được sai lầm. Có tư duy đúng mới hành động đúng được. Vậy sao là tư duy đúng, cũng khó đấy nhưng nên hiểu cơ bản như thế này: 

Một là, nghe, đọc, học những người giỏi. 

Hai là, mình phải luôn nghĩ tới mình sẽ tạo ra được cái giá trị, cái tốt đẹp lợi lạc cho mọi người. 

Ba là, đi chỗ này chỗ kia khi có điều kiện, thiên nhiên và các công trình thực tiễn có nhiều bài học lắm, học không hết đâu. 

Cuối cùng là, phải thực hành, phải vẽ tay, đó là cách thực hành và ghi nhớ tốt nhất.

Khi có một mục đích cao đẹp, một quan điểm sống rõ ràng thì ta đang bước trên con đường thành công. Hãy biến quá trình lao động của mình thành quá trình vui sống.

Lời kết:

Qua những chia sẻ vừa chân thành vừa gần gũi của ThS.Kts.Phan Đình Kha, thiết nghĩ thầy cô, bạn bè và gia đình đang cảm thấy rất tự hào về người học trò, người bạn và người con vừa có tài vừa có tâm như anh.

Không chỉ vậy, những khách hàng và các cộng sự đã và đang làm việc cùng anh, có lẽ chợt nhận ra một điều rằng Kts.Kha tài năng và chuyên nghiệp hiện tại không phải nhờ may mắn ngẫu nhiên mà đó là thành quá từ quá trình không ngừng học hỏi và rèn luyện.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *